Khởi nghiệp Công việc đầu đời của các CEO ngân hàng

Thảo luận trong 'Startup, Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Lưu Đình Giáp, 2/2/17.

Lượt xem: 1,810

  1. Lưu Đình Giáp Administrator

    Trước khi là CEO, ông Hàn Ngọc Vũ (VIB) từng mò mẫm để có khách hàng khi còn là nhân viên tập sự, ông Phạm Hồng Hải (HSBC) thì từng nhiều năm đánh vật với chứng từ kế toán trong khi ông Nguyễn Hưng (TPBank) làm việc đếm, bó tiền ở kho quỹ đến chai cả tay.

    Tổng giám đốc VIB - ông Hàn Ngọc Vũ: Vừa ra trường vẫn dám xin gặp các CEO
    HUY_0638-.jpg
    "Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình liều", ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) nói khi nhớ lại lúc bỏ biên chế Nhà nước về đầu quân cho một ngân hàng của Pháp ở Việt Nam. “Nói thật là lúc đó nhà chẳng ai ủng hộ vì thấy mình không biết gì về ngân hàng, mà lại là ngân hàng tư nhân nước ngoài vừa mới được cấp phép ở Việt Nam, không có sự ổn định như trong biên chế nhà nước", ông Vũ nói.

    Tuy nhiên, ông vẫn “liều” chuyển sang tổ chức mới dù phải làm những vị trí thấp nhất. “Tôi tin, nếu mình còn trẻ, nhiệt huyết, lại có chút sáng dạ, các doanh nghiệp tốt thường chấp nhận sự thiếu kinh nghiệm và kiến thức để đầu tư đào tạo”, ông nói.

    Sau một thời gian làm nhân viên, ông được cất nhắc lên quản lý nhưng vì không phải làm kinh doanh nên ông Vũ xin chuyển sang làm nhân viên quản lý khách hàng FDI. "Vì muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng nên khi có cơ hội là tôi bỏ ngay vị trí quản lý để chuyển sang làm kinh doanh dù phải bắt đầu từ cấp nhân viên”, ông Hàn Ngọc Vũ giải thích.

    Làm cho một nhà băng của Pháp nhưng ông được giao phát triển các doanh nghiệp "phần còn lại của thế giới", tức không phải Pháp cũng chẳng phải Việt Nam. "Áp lực là rất lớn vì mình có rất ít lợi thế ở mảng khách hàng đó. Các công cụ hỗ trợ như Internet để tìm kiếm khách hàng lúc đó cũng chưa có. Tìm được địa chỉ rồi thì người ra quyết định về tài chính phía họ toàn là CEO, CFO người nước ngoài, lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, chẳng mấy quan tâm để chấp nhận gặp gỡ người trẻ tuổi như mình", ông kể.

    Ong Han Ngoc Vu.jpeg
    Nhưng cậu nhân viên Hàn Ngọc Vũ khi ấy đã nhanh trí “bấu víu” Tạp chí Vietnam Investment Review, Vietnam News, các mối quan hệ ở Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, thậm chí cuốn danh bạ Trang Vàng và tổng đài giải đáp điện thoại…, để tìm kiếm địa chỉ, số điện thoại và thông tin khách hàng tiềm năng.

    “Dù cũng run nhưng tôi cứ gọi điện để xin đặt hẹn thẳng với tổng giám đốc hoặc trưởng đại diện. 10 cuộc gọi thì chỉ 1-2 nơi đặt được hẹn". ông Vũ kể. Dẫu vậy, đặt hẹn được lần đầu đã khó, nhưng để được chấp nhận gặp lần thứ hai, theo vị lãnh đạo này, mới là quan trọng.

    Ông cho biết, để có buổi gặp chưa tới một giờ đồng hồ, một người còn ít kinh nghiệm phải chuẩn bị có khi mất thời gian gấp cả chục lần, bao gồm thu thập thông tin về tình hình công ty mẹ và công ty cùng tập đoàn, về ngành công nghiệp mà đối tác đang hoạt động, về chính sách của Việt Nam đối với ngành công nghiệp đó... “Rèn luyện khả năng vừa hỏi vừa lắng nghe về hoạt động kinh doanh của khách hàng, để từ đó "đọc" được nhu cầu tài chính của họ, gợi ý các giải pháp đáp ứng sáng tạo sẽ giúp tạo được ấn tượng tốt cho việc đối tác chấp nhận các cuộc họp tiếp theo”, ông Vũ phân tích.

    Từ kinh nghiệm của mình, CEO VIB cho rằng không nên ngồi chờ những cơ hội chưa tồn tại và cũng đừng chọn công việc mình không thấy say mê vì nó không tạo ra động lực làm mình vượt lên trên năng lực hiện có. “Sự hấp dẫn của công việc có lương cao không chủ yếu nằm ở sự đãi ngộ, mà là sự quan trọng của nó đối với doanh nghiệp (quan trọng thì họ mới trả đãi ngộ cao). Nhờ vậy bạn sẽ có sự tập trung nguồn lực cao hơn để làm cho mọi công việc được thành công”, ông Hàn Ngọc Vũ nhắn nhủ.

    Tổng giám đốc HSBC - ông Phạm Hồng Hải: Mới ra trường, đừng kén chọn vị trí

    PhamHongHai2_HSBC.jpg
    Tự nhận mình là người "không năng động", "mọt sách", ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam thấy những công việc thời sinh viên của mình "không màu sắc" như nhiều bạn trẻ hiện nay. Hồi đó, ông Hải đi làm gia sư tiếng Anh rồi nhận làm phiên dịch ở hội chợ và sau này tham gia vào một nhóm nghiên cứu thị trường cho Saigon Coop.

    "Cả mùa hội chợ làm phiên dịch mình kiếm được khoảng vài ba trăm nghìn đồng. 3 công việc đầu đời này nếu nói có liên quan đến công việc sau này thì chắc không nhưng lại giúp mình có những kỹ năng cần thiết nào đó", ông Hải nói. Ví dụ như việc làm gia sư giúp ông học cách trình bày một cách đơn giản nhất đồng thời luyện thêm tiếng Anh. Công việc nghiên cứu thị trường giúp một sinh viên quản trị kinh doanh vừa ra trường như ông biết cách thiết kế một bảng hỏi, dám ra đứng đường để phỏng vấn mọi người...

    "Tương tự như khi xin thực tập ở Vinamilk và một công ty thương mại của Nhật, việc của tôi rất đơn giản chỉ là học cách dùng máy photocopy, máy fax, nhập dữ liệu hóa đơn mua vào bán ra của phòng kế toán... nhưng lại giúp tôi có những bài học đầu đời rất tốt. Theo tôi, mới ra trường, các bạn trẻ không nên quá câu nệ làm ở vị trí nào mà thay vì thế hãy lựa chọn gia nhập một tổ chức tốt", ông Hải nói.
    PhamHongHai_HSBC.jpg
    Lý giải thêm về điều này, vị CEO người Việt đầu tiên của HSBC, cho biết hầu hết mọi người đều không có được ngay công việc mình yêu thích. "Nếu có may mắn được chọn tổ chức tốt thì vị trí nào cũng tốt bởi bất cứ phòng ban đều liên quan tới công việc của bạn sau này", ông Hải nói. Ông cũng lấy ví dụ trường hợp của mình. Khi mới vào HSBC, ông Hải được giao về bộ phận kế toán - đúng môn mà ông "ghét cay ghét đắng". "Làm ở đó, lúc nào tôi cũng nung nấu ý định để chuyển sang mảng khác. Nhưng từ khi làm kế toán, tôi hiểu được bảng tổng kết tài sản và các nghiệp vụ kế toán thực tế diễn ra với các loại giao dịch khác nhau. Tôi cũng có thói quen làm gì xong cũng kiểm tra lại, kể cả dù chỉ là viết một email, mình cũng phải đọc lại từ đầu đến cuối. Cũng may mắn là do từng làm kế toán rồi nên mình rèn luyện được tính cẩn thận. Ở vị trí hiện nay mà ẩu, dễ đưa ra quyết định sai lầm cho ngân hàng thì rất nguy hiểm", ông Hải nói.

    Tổng giám đốc TPBank - ông Nguyễn Hưng: Muốn làm CEO phải biết cả những việc 'con mọn' nhất
    NguyenHung_TPBank2.jpg
    Ra trường năm 1988, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đi bộ đội 3 năm và trong thời gian đó ông làm tài vụ trong quân đội, chuyên lo cấp phát ngân sách, thực hiện các giao dịch chuyển tiền, giao dịch với Kho bạc, Ngân hàng Nhà nước... Từ đó đến khi trở thành tổng giám đốc một ngân hàng như hiện nay, vị CEO này hầu như đã trải qua mọi vị trí trong ngân hàng và theo ông, đây là bí quyết để trở thành một người lãnh đạo tốt.

    Đầu tiên ông Nguyễn Hưng làm kế toán chi tiêu nội bộ rồi kế toán giao dịch. Ngày đầu như những người mới vào, ông còn chưa biết diễn giải nội dung từng chứng từ ra sao. “Thời đó máy tính là gì đó rất xa xỉ nên mọi giao dịch đều làm thủ công hết, từ viết chứng từ bằng tay cho đến kế toán tổng hợp hay kiểm, đếm tiền. Hồi đó làm gì có máy đếm như bây giờ, cũng phải đếm rồi bó tiền đến chai cả tay”, ông kể.

    Dần dần, ông trở thành kế toán trưởng và do đam mê công nghệ nên ông Nguyễn Hưng đi học thêm lập trình rồi kiêm phụ trách luôn cả mảng công nghệ tin học. Không chỉ vậy, vị CEO này từng trải qua cả vị trí như chánh văn phòng của ngân hàng. “Thời đó ngân hàng chưa phân ra nhiều khối như bây giờ nên Chánh văn phòng phải đảm nhiệm cả việc nhân sự, PR, marketing… Cũng nhờ vậy mà đến nay chuyện gì mình cũng biết, kể cả những việc con mọn nhất và nhờ vậy CEO có thể cảm thông được cho các bộ phận hơn, biết vướng mắc thực chất đang ở đâu”, ông nói.

    Sau khoảng 2 năm làm hành chính, ông Hưng xuống các chi nhánh và bắt tay vào trực tiếp kinh doanh. “Quả là khi đối mặt với các chỉ tiêu kinh doanh, góc nhìn của mình thay đổi hoàn toàn. Nếu như trước làm kế toán thì chỉ có “đầu đội nguyên tắc, tay sờ hóa đơn” và cái gì cũng phải tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ thì nay làm tín dụng thấy nếu không linh động để phục vụ khách thì không ai chơi với mình. Nhờ vậy mà khi làm CEO, mình hiểu được khó khăn của từng bộ phận hơn và có cách điều hành hợp lý, miễn sao cả cái dàn nhạc ngân hàng nó hoạt động đồng điệu nhất”, vị CEO từng kinh qua các vị trí lãnh đạo ở Techcombank, VPBank và TPBank chia sẻ.

    NguyenHung_TPBank.jpg
    Với kinh nghiệm của mình, Tổng giám đốc TPBank khuyên các bạn trẻ, dù có đi học ở nước ngoài về, đừng đòi hỏi phải có ngay công việc trong mơ, lương vài nghìn USD mà phải sẵn sàng thử nghiệm mọi vị trí.

    Dẫu biết chi phí du học có thể là mấy tỷ đồng nhưng về Việt Nam, theo ông Hưng, lương khởi điểm trong ngân hàng cho vị trí có chuyên môn, làm tốt tối đa cũng chỉ 10 triệu. "Không ai trả lương cho bạn hàng chục triệu đồng chỉ vì một cái mác học ở Anh hay Mỹ. Tương tự, các bạn trẻ hãy nhớ rằng chẳng ai thổi một cái là bạn tự biến thành ông nọ bà kia được mà cần có sự nỗ lực, tích lũy của cả quá trình", CEO của TPBank nhận xét.

    Thanh Thanh Lan​
     
  2. Bình Luận Bằng Facebook





VIDEO ĐANG ĐƯỢC XEM NHIỀU:


Bấm SUBSCRIBE LIKE ngay để được xem nhiều video hơn: